Anrê Nguyễn Kim Thông (1790-1855)

Anrê Nguyễn Kim Thông (Năm Thuông), lý trưởng, thầy giảng; sinh 1790 tại Gò Thị, Bình Ðịnh; chết 15 tháng 7 năm 1855, tại Mỹ Tho. Thánh Thuông, lý trưởng của làng, bị trục xuất vào lúc khởi đầu của cuộc bách hại vì lòng sốt sắng của ngài với đạo Công Giáo. Ngài chết rũ tù vì kiệt sức và đói khát trên đường di tán tại Mỹ Tho. được phong Á Thánh 1909. Ngày Lễ kính 15 tháng 7.

Anrê Nguyễn Kim Thông, còn gọi là Năm Thuông, sinh năm 1790 tại Gò Thị, Xuân Phương, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Ðịnh, trong một gia đình đạo đức, được giáo dục theo tinh thần đạo đức, được giáo dục theo tình Phúc Âm trong khuôn khổ Nho học. Nguyễn Kim Thông lập gia đình, có chín người con, 6 trai, 3 gái. Người con trai thứ 8 là linh mục Giuse Nguyễn Kim Thủ về sau cũng chịu xử chém vì đạo. Con gái út là Anna Nguyễn Thị Nhường, đi tu Dòng Mến Thánh Giá.

Từ lúc còn trẻ, Nguyễn Kim Thông đã nổi tiếng đạo đức và khôn ngoan, nên sớm được tuyển vào hàng chức việc trong giáo xứ, và sau đó được Ðức Giám Mục Cuénot Thể cử làm trùm họ Huyện. Ông Trùm Thông rất được dân làng trọng vọng, tôn ông là ông Cả trong làng, nên gọi là Trùm Cả, Trùm Cả Năm Thuông.

Về mặt xã hội, Nguyễn Kim Thông có công khai phá rừng hoang, trưng khẩn ruộng đất, nên được triều đình ban thưởng thẻ vàng với tước hiệu “Cần Nông”.

Ðối với Giáo Hội, Anrê Nguyễn Kim Thông tận tâm giúp Ðức Cha Cuénot Thể tạo mãi ruộng đấy, xây dựng Tòa Giám Mục, mở chủng viện, tu viện, nhà dục anh và cơ sở nhà chung, đồng thời đảm nhiệm trọng trách cố vấn quản lý tài sản nhà chung để tạo phương tiện điều hành Giáo phận. Ngoài ra, Trùm Cả Năm Thuông còn lo bảo vệ Ðức Cha, các cha cùng các Thầy trong cơn bách bại đạo Chúa. Ông Trùm khéo léo sắp xếp cho các linh mục đi đây đó mở đạo trong vùng mà không gặp khó khăn. Nhà ông Trùm là chỗ tạm trú tốt cho các Cha mỗi khi các ngài có việc về Tòa Giám Mục Ðàng Trong đóng ở Gò Thị. Mọi chi phí ăn uống cho các Cha trong những ngày tạm trú đều do gia đình ông Trùm Cả đài thọ. Anrê Năm Thuông không bao giờ tiếc công tiếc của trong việc mở mang nước Chúa.

Anrê Nguyễn Kim Thông có một đức tin sắt đá, lúc nào cũng sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì danh Chúa cả sáng và vì phần rỗi đồng loại. Ðặc biệt, ông luôn tỏ ra nhân ái với mọi người, nhất là bênh vực người cô thế, giúp đỡ kẻ cơ hàn. Trong trách nhiệm xét xử việc làng, ông Trùm xét đoán theo lẽ công bình, rồi sau đó lấy của nhà gíup đỡ cho người nghèo thua kiện. Ông năng khuyến khích người xung quanh làm lành lánh dữ và răn bảo kẻ có tội sớm ăn năn cải tà quy chánh. Nhưng Ông cũng tỏ ra không kém thẳng thắn khiển trách người ngoan cố, như đã có lần nhắc nhở đứa cháu hung hăng hoang đàng tên Bảy Út, khiến tên này tự ái sinh lòng hiềm thù đặt điều tố cáo với các quan về Ông Trùm Cả. Thế là Anrê Nguyễn Kim Thông bị bắt giải về tỉnh vào năm 1853, năm Tự Ðức thứ 6.

Bị điệu ra trước tòa quan tỉnh tra vấn về các điều tố cáo. Ông Trùm khiêm tốn, bình tĩnh ung dung trả lời bằng lời lẽ đanh thép: “Trong nhà tôi không có đạo trưởng. Còn việc tậu thuyền, mãi mã, sắm ghe, tích trữ lương thực, tôi chẳng hề có, xin quan cho đi khám xét. Tôi chỉ chuyên cần lo việc nông gia. Tôi không biết Tây Dương, không đem đường chỉ nẻo cho họ. Tôi cũng chẳng hề đi đâu mà mở đường sơn thủy, vận lương, chuyển binh cho giặc”. Không tìm ra chứng cớ về các điều cáo giác trên, bọn quan lại bèn truyền cho Ông Trùm “quá khóa”, tức là bước qua Thánh Giá, thì sẽ đươc tha về. Ông nhất quyết không tuân.

Quan bảo: “Kín đáo đạp lên thập giá đi, rồi về xưng tội”.

Ông Trùm đáp: “Thạch tín là thuốc độc, uống vô là chết, nhưng cũng có thuốc giải. Thế nhưng có ai liều mình uống thạch tín bao giờ? Việc xúc phạm Thánh Giá cũng vậy”.

Thế là sau ba tháng bị giam giữ, Anrê Nguyễn Kim Thông nhận bản án chung thẩm từ triều đình Huế gửi vào: Lưu đày biệt xứ vào Ðịnh Tường (Mỹ tho). Trên đường đi đày, tới Gia Ðịnh Ông Trùm ngã bệnh. Có người muốn ra tay cứu Ông. Ông Trùm ngỏ lời cảm ơn lòng tốt của họ và xin hãy để Ông được vâng theo Thánh Ý Chúa. Tới Ðịnh Tường, bệnh tình của Ông Năm Thuông trở nên trầm trọng. Ngày 15-7-1855, sau khi kêu tên cực thánh ba Ðấng “Giêsu, Maria, Giuse”, Anrê Nguyễn Kim Thông yên giấc nghìn thu trong Chúa, chân vẫn còn mang nặng xiềng xích. Ông thọ 65 tuổi.

Anrê Nguyễn Kim Thông được Ðức Giáo Hoàng Piô X phong Chân Phước năm 1909 và Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc Hiển

 

Trường thi tử đạo

Nguyễn Kim Thông là ông trùm họ
Canh Tuất (1790) sinh Gò Thị, Xuân Phương
Ông người trung nghĩa phi thường
Kiêm chức xã trưởng nêu gương cả vùng

Gia đình ông vô cùng hạnh phúc
Tiền tài dư đạo đức càng hay
Vốn lòng mến Chúa xưa nay
Người con trai cụ anh này đi tu

Chúa đã chọn Kim Thư linh mục
Rất khôn ngoan rất mực nết na
Còn cô con gái thứ ba
Ðiều cô mong ước cũng là nữ tu

Ông làm việc xuân thu có lẻ
Giúp giáo dân, giúp kẻ khó nghèo
Dù ai gặp cảnh gieo neo
Ðến ông giúp đỡ càng nghèo càng thương

Là xã trưởng ông thường rộng rãi
Nên cửa quan nho lại đều quen
Việc đời việc đạo đều siêng
Bầu làm trùm cả ơn riêng dẫn đường

Thời cấm đạo ông thường che chở
Các Cha Tây nuôi ở trong nhà
Làm sao che mắt người ta
Ðứa cháu tên Út vào ra xem thường

Một bữa nọ Út ương quá đổi
Ông Năm Thuông bổng nổi nóng lên
La rầy thằng Út một phen
Ai ngờ thằng cháu trở nên báo thù

Út về viết nặc thư tố cáo
Ông Năm Thuông chứa giáo sĩ Tây
Quan tỉnh lúc đó mới hay
Bủa quân vây bắt quả thì bốn Cha

Bắt giam cả thẩm tra nguồn ngọn
Tại sao ông chứa bọn ngoại xâm
Ông Thông tuy bị giam cầm
Song không tra tấn hằng tuần về quê

Lợi dụng lúc đi về thăm hỏi
Ông nhủ khuyên và nói mọi người
Siêng năng giữ đạo Chúa trời
Phận già tôi nguyện suốt đời theo Cha

Khi bị giam được ra quan gặp
Quan khuyên ông xếp đặt trong nhà
Ðặt cây thập tự bước qua
Không ai biết được chỉ là tôi ông

Ðơn sơ vậy nhưng ông không chịu
Ðạo Chúa Trời tự liệu lương tâm
Tôi nay tuy bị giam cầm
Nhưng lòng phơi phới lương tâm vui vầy

Tôi mong ước đến ngày tận số
Chúa đem về hưởng chổ thanh nhàn
Chúc quan ở lại bình an
Lệnh tù biệt xứ càng oan trái nhiều

Ðường vào Nam bao nhiêu cách trở
Mà thân giàtuổi cở sáu lăm
Chân mang xích, cổ đeo gông
Qua đèo vượt suối băng đồng kể chi

Gặp Cha Thư cực kỳ may mắn
Là con ông uốn nắn ngày xưa
Bên nhau chốc lát chỉ vừa
Ban phép hoà giải xong đưa đi liền

Ðến Mỹ Tho thì chiên của Chúa
Ðã không còn sức nữa chao ôi
Ông Thông ngã xuống lìa đời
Cuộc đời theo Chúa tuyệt vời ông Thông

Phúc tử đạo lãnh công Nhâm Tuất (1862)
Một ông trùm bậc nhất của ta
Kỷ Dậu (1909) Toà Thánh Rôma
Suy tôn Chân phước hoan ca Nước Trời

Thật xứng đáng tuyệt vời trùm cả
Sống tuyên xưng hỷ xả tha nhân
Mậu Thìn (1988) Ngài được thêm phần
Suy tôn Hiển thánh ân cần nêu gương

Lời bất hủ: Quan khuyên ông bước qua Thập giá, ông trả lời: “Không được, Thập giá tôi tôn kính mà dẫm lên sao được”. Ông khẳng định với quan: “Thà tôi chịu lưu đầy và chết vì Chúa, chứ tôi không chối đạo”. Các con ông dự định bỏ tiền xin giảm án, nhưng ông cản: “Các con cứ để Thánh Ý Chúa được thể hiện”.

Nguồn: Giaophanbaria.org